CHƯƠNG II
KHỦNG HOẢNG NGAY TRƯỚC
NGƯỠNG CỬA THỜI CÁCH MẠNG
CHƯƠNG II
KHỦNG HOẢNG NGAY TRƯỚC
NGƯỠNG CỬA THỜI CÁCH MẠNG
Lịch sử không phải chỉ theo những hoàn cảnh kinh tế và điều kiện xã hội, như vậy là quên sức mạnh của tư tưởng và trước hết là tự do, tự do định đoạt của con người. Nhưng phạm vi tự do là phạm vi của những quyết định và cam kết, nó được ấn định bởi những dữ kiện bên ngoài, tạo thành hoàn cảnh và bởi bầu không khí bao bọc đè nặng nó ở bên này hay bên kia. Ðiều này cũng rất đúng đối với Giáo Hội, mặc dầu quan điểm thần học của Giáo Hội, được coi là siêu nhiên đối với tín hữu, bởi vì xâm nhập vào trần thế, nên Giáo Hội muốn dẫn con người mỗi thời đại tới mục tiêu vĩnh cửu, bắt đầu từ thế trần là cõi thế của họ. Mặc dầu có những trào lưu kinh tế và xã hội ở thế kỷ XV và XVI, thời kỳ lịch sử chúng ta đang nghiên cứu đây, không phải là nguyên nhân cho Cải cách, nhưng nó đã tạo thành những điều kiện hiển nhiên đến độ không có chúng thì không tài nào giải nghĩa được bước khởi đầu của việc Canh tân và khuếch trương Ðức Tin cách nhanh chóng như vậy. Tách rời khỏi một Giáo Hội Trung Cổ là điều dễ hiểu, nhưng điều đó không có nghĩa là cởi bỏ trách nhiệm của những diễn viên lớn nhỏ trong công việc phá hủy sức mạnh thống nhất trong ý thức tôn giáo. Mặc dầu có cơn khủng hoảng đe dọa và sự căng thẳng bùng nổ sau năm 1500, Cải cách vẫn còn là sự nghiệp cá nhân của người tu sĩ tỉnh Wittenberg.
I. NHỮNG CẤU TRÚC MỚI CỦA XÃ HỘI
Thế kỷ trước Cải cách đã chịu một biến chuyển toàn diện do những cấu trúc kinh tế gây nên. Ðã xuất hiện nền kinh tế tiền tệ, lan tràn từ Ý qua Pháp, Anh, Flandre và nhất là Nam Ðức: nó đưa Giáo Hội tới một cơn khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng. Giáo Hội ở đây có nghĩa là những tế bào trong sinh hoạt Giáo Hội, từ giáo hoàng và giáo triều cho tới các tu viện và giáo xứ ở thôn quê, kể cả các giám mục và kinh sĩ đoàn chính tòa, đều liên lụy vào hoàn cảnh khó khăn ấy. Có lẽ chỉ trừ các cha sở thành phố mới được thoải mái hơn. Tài sản của Giáo Hội chính yếu gồm có điền thổ hoặc làm thành thái ấp hay lãnh canh, hoa lợi các giáo xứ thường chỉ gồm có những của dâng cúng bằng thổ sản, hoa lợi của các tu viện và những thành phần khác trong Giáo Hội thì chủ yếu gồm có thuế thập phân và tô tức điền thổ. Vì có một loạt phá giá tiền tệ nên sức tiêu dùng của những lợi tức bằng tiền, những thuế thập phân và những của cúng chuyển thành tiền, cũng bị giảm xuống. Số dân không tăng, lại có sự di dân về các thành phố, làm cho ruộng đất mất giá, trong khi đó thợ lao công mỗi ngày mỗi hiếm. Nền kinh tài của các tu viện đặc biệt bị xuống dốc. Máy xay và lẫm lúa sụp đổ và chiến tranh phá hoại ở Bohême và ở Bắc Ý (Ðức thì khá hơn đôi chút), tất cả làm chồng chất thêm về tàn phá. Mùa gặt hái bĩ hủy hoại, làng mạc thái ấp của các tu viện bị thiêu hủy, các tu viện bị cướp phá. Sinh hoạt kinh tế thoái lui, nhất là trong nông nghiệp và nơi các điền chủ. Dần dần Giáo Hội mất một phần tài sản của mình, hoặc bán đi một phần vì nhu cầu cấp bách, hoặc đem cầm cố cho người Do Thái để bảo đảm nợ nần. Mỗi lần xây cất thánh đường hay tu viện là một lần phải thu hẹp tài sản và do đó giảm bớt huê lợi thông thường.
Tất cả những điều đó có ảnh hưởng tới sinh hoạt tâm linh của Giáo Hội. Các giám mục mất hết tự do tự lập đối với giáo dân, trong các trường đại học cổ xưa và có tiếng, thì sự học xuống cấp, bởi vì các dòng tu không thể gởi các tu sĩ trẻ đến trường; các tu sĩ thì chểnh mảng đời sống tâm linh và trí thức, bởi vì còn phải lo quản lý hay bảo trì tài sản. Người ta không nghiêm chỉnh trong việc chọn các tập viên, bởi vì việc tuyển mộ giảm hẳn đi. Các tu viện phải xin các giáo xứ giúp đỡ để bù vào chỗ thiếu hụt. Việc chồng chất hoa lợi vào một tay độc nhất trái với ý nghĩa và quyền lợi của mọi tổ chức bổng lợi, đã trở thành thông thường, bởi vì chỉ một bổng lợi không còn đủ nuôi người được bổng lợi một cách xứng đáng.
Chiến tranh đã biến các tu sĩ thành binh sĩ. Ðường xá bất an cũng là lý do hay lý cớ để cho các giám mục chểnh mảng không đi kinh lý, không săn sóc trú sở. Sự nghèo khó bắt các cha sở ở thôn quê phải lao mình vào các công việc ngoài hoạt động mục vụ. Sự suy thoái kinh tế đẩy các giáo hoàng phải xử dụng tới các cách thức khác, những thủ tục mới để duy trì và củng cố những nguồn lợi của giáo triều, bởi vì ngài không thể cho tăng thêm thuế thập phân. Cách đánh thuế đã nhất luật được các giáo hoàng cho tổ chức lại và các giám mục cũng tìm cách bắt chước. Thêm vào đó còn có những thứ thuế phải nộp cho các ông hoàng bà chúa. Kinh viện nhà thờ chính tòa Cantorbery phải nộp 46% bổng lộc cho giáo hoàng và nhà vua (1), con số này hẳn là khá đặc biệt, nhưng hầu như người ta không chịu nổi. Mà người thời đó không có một cái nhìn tổng quát về toàn khối sinh hoạt kinh tế, để cho phép họ nhận ra những lý do của cuộc khủng hoảng. Họ chỉ còn thấy toàn là những nhân viên thu thuế của giáo hoàng và khi họ không trả được thì liền bị Giáo Hội phạt vạ, kể cả vạ rút phép thông công, rồi trước mắt họ, giáo hoàng trở thành người độc nhất phải gánh trách nhiệm gây nên các tình trạng tệ hại. Những ca thán và những tố cáo sôi nổi vang lên để chống lại chế độ kinh tài của giáo hoàng. ”Chống lại chế độ kinh tài của giáo hoàng” trở thành khẩu hiệu của thế kỷ, cả những ai không vướng mắc vào tình trạng bế tắc này cũng xử dụng.
Giáo Hội cấm không được cho vay ăn lãi, thì trong tương lai, Giáo Hội cũng không thể gia nhập vào hệ thống kinh tài. Các hoạt động về ngân hàng kể từ thế kỷ XIV, đã làm cho giáo hoàng phải chú ý, chúng cho phép dòng họ Medicis và các dòng họ khác ở Florence và ở Siena trở nên rất giàu có; đầu thế kỷ XVI, chúng đã làm cho các thương gia Augsbourg trở thành những tay sành sỏi về chính sách kinh tài và làm cho Jacob Fugger nên người cộng tác cần thiết trong những dự án lớn của các hoàng tộc và Nhà Nước. Thế mà tất cả những gì có hệ tới áp-phe thì trong quan niệm nghiêm khắc của cuối thời Trung Cổ lại bị coi như một hình thức tội lỗi của sự cho vay nặng lãi. Thực ra chỉ ở Ý người ta mới chú ý vượt những chướng ngại luân lý một cách thanh thản và cuối cùng đức Piô II nguyên quán ở Siena cũng cho các nước thuộc quyền giáo hoàng thi hành độc quyền mua bán phèn, lãi thì từ 7 tới 8% và cũng được coi như thông thường Ở Florence. Người ta dẹp các bối rối sợ sệt bằng cách dùng một phần tài sản vào các việc từ thiện và đồng thời cũng là một cách quảng cáo (2). Những đại lý Ðức của thời tiền-tư-bản đã đề cập tới vấn đề một cách nghiêm chỉnh hơn và cặn kẽ hơn: các thương gia Augsburg hay thương hội Ravensbourg đã viết sách dự tính một ngân khoản riêng cho ”vốn đầu tư của Ðức Chúa chúng ta”; họ nhà Fugger trong bản tổng kết năm 1511, đã ấn định một khoản 15.000 florins để dâng cúng cho thánh quan thày thành phố Augsburg, thánh Ultrich; Jacob Fugger đã lập một tổ hội lớn nhất trong thế kỷ, một cư xá gồm 142 căn nhà, ”để làm sáng danh Thiên Chúa và dấu hiệu ghi ân”. Ðối với họ, đây không phải là nhũng công thức trống rỗng, nhưng là dấu hiệu của một hòa hợp giữa đạo hạnh và hoạt động kinh tài, giữa Ðức Tin và đời sống nghề nghiệp, trong đó các ông chủ xí nghiệp làm việc và sinh sống. Người ta cũng tìm cách giải quyết tranh chấp trên lý thuyết: sau những phản kháng rất mạnh của những giảng thuyết viên có tiếng của thế kỷ, như Geiler de Kaisersberg và Sébastien Brant người Alsace chống độc quyền và chống cho vay ăn lãi, sau cuốn chú giải Plutarque về việc phải tránh cho vay ăn lãi (De usura vitanda) của kinh sĩ nhân bản thành Eichstatt, Adelmann von Adelmannsfelden, thực ra ông chủ ý rõ ràng nhằm vào trùm cho vay lãi là Jacob Fugger. Người ta thấy người thanh niên trẻ tuổi nhưng đã lẫy lừng danh tiếng là giáo sư Jean Eck d'Engolstadt để ý tới nhà họ Fugger. Ông đã giảng dạy một bài thuyết trình thứ nhất về những vấn đề kinh tế ở Augsburg và đã phân biệt cho vay lãi bình thường với cho vay nặng lãi. Ông tổ chức một cuộc tranh luận ngay trong tu viện dòng Carmes về vấn đề hợp pháp hay không hợp pháp của sự cho vay ăn lãi. Một buổi tranh luận khác đã được Jean Eck chuẩn bị cho Ingolstadt nhưng đã bị giám mục Eichstatt cấm. Thế là giáo sư trẻ tuổi đưa ra một luận đề chủ trương sự hợp pháp của lãi 5%. Ông đến Bologne, có sự nâng đỡ của Fugger, để lại điều khiển buổi tranh luận. Ông thu phục được các tu sĩ Ðaminh công nhận luận đề của ông và trường đại học Paris cũng chuẩn y. Thế là những hình thức mới về kinh tế học được chính nghĩa hóa trong thần học luân lý, nhưng mới chỉ dựa vào thế lực của một học giả mà thôi. Còn Giáo Hội chính thức thì vẫn tuyệt đối cấm cho vay nặng lãi trong suốt thời Cải cách.
II. THÀNH THỊ VÀ THÔN QUÊ
Hệ thống kinh tế của thời tiền tư bản được khuếch trương trong các thành thị và những thành thị này được mở mang ít lâu sau thời Cải cách. Ðiều này thì chính xác trước hết ở các thành thị Ðức. Khác với các thành thị ở Pháp và ở Anh, ở Ðức các thành thị đã được hưởng quyền tự do và độc lập rất lớn. Thực ra, trên 85 thành thị được ghi trong sổ sách năm 1521 thì có 65 trực tiếp phụ thuộc nhà vua. Mặc dầu là con số lớn, những thành thị đó không trở nên một yếu tố gây ra lực lượng chính trị: chúng thiếu thế lực chính trị và không có sự thống nhất. Những liên minh liên kết để bảo vệ hòa bình thì hoàn toàn là công việc của các ông hoàng và những ông này dữ dội cương quyết không cho thành thị được bình đẳng về quyền lợi trong các hội nghị toàn đế quốc. Trái lại, nhờ đó, tình hình kinh tế ở các thành thị càng mạnh mẽ hơn. Chúng góp một phần định đoạt vào cuộc cách mạng tinh thần và trí thức, và đối với dân Ðức cũng là do việc biến đổi nhanh chóng từ nền kinh tế nông nghiệp tới nền kinh tế tiền tệ. Một ý thức mạnh mẽ về mình được nẩy nở, vì các thành thị càng ngày càng tự trị về kinh tế, không những do giai cấp chủ ông mà cũng do các nghiệp đoàn và phường hội. Không những ý thức này phát hiện trong những điện đài tư sản, với những bức tường bề thế cao ngất ngưởng và những sân trong huy hoàng, như người ta còn thấy trước đại chiến thứ hai, mà còn trong những lâu đài bao quanh công trường rộng lớn làm nơi họp chợ hoặc hiên ngang bề thế chạy dọc theo những con đường quốc lộ trong toàn đế quốc. Nhà thờ của thành phố là biểu tượng của sự hòa hợp giữa ý thức giai cấp tư sản tự do độc lập và một lòng đạo đức nhiệt thành. Các thế hệ trước đã khởi công kiến thiết những thánh đường khổng lồ, ở Ulm, Fribourg và Strasbourg, và người ta còn tiếp tục cho tới thời Cải cách. Những thành phố nhỏ thì tìm cách cạnh tranh với những thành phố lớn và những công trường xây cất đã qui tụ được một số rất lớn các nghệ sĩ, từ Prague tới Milan, để trao đổi suy nghĩ và công việc.
Giai cấp tiểu tư sản tự đồng hóa mình với thánh đường của thị xã. Sổ sách ghi những của dâng cúng ở các thánh đường lớn cho biết: hầu hết các tầng lớp nhân dân đều đóng góp. Có những của dâng cúng bằng tiền mặt mà cũng có những của dâng cúng khác, tỉ như tài sản qua các di chúc. Thế nhưng hơn một lần, việc xây cất vượt quá khả năng kinh tài của đô thị. Bây giờ người ta cần tới viện trợ từ bên ngoài và người ta phải tạo ra những thứ thuế mới. Ân xá cũng là một trong những phương cách lấy tiền cần dùng tới: không thể đếm hết những phép cho lạc quyên, kèm theo ân xá do các giám mục ban ra. Khi có những kế hoạch quan trọng thì hội đồng thành phố đệ trình sang Roma. Strasburg, Fribourg, Constance và Zurich là những thí dụ trong những thí dụ khác: dâng tiền vào việc xây cất nhà thờ là một việc đền tội và như vậy là được bớt phần phạt đời này bởi tội mà ra. Chỉ khi người ta lạm dụng tăng lên những cách thu nhập đó, chỉ khi nào giáo triều Roma đòi một phần thu nhập cho mình để chi viện vào những nhu cầu chung, thì khi ấy mới gây nên phản ứng mãnh liệt chống lại các ân xá ban ra để có cách kiến thiết các thánh đường, và chống lại chính quan niệm về ân xá.
Các nhà tư sản coi thánh đường trong đô thị mình như là nhà Thiên Chúa của họ. Không những trong đó họ xây phần mộ cho họ, nhiều khi chiếm cả một khu lớn, mà còn kiểm soát tài sản của Giáo Hội và cắt đặt người quản lý. Nhà thờ đô thị còn được dùng để bảo vệ tham vọng chính trị của họ: với số nhiều bàn thờ và nhiều bổng lộc do người tư sản dâng cúng thì chỉ những người thuộc thành phố đó mới được quyền xử dụng; do đó hội đồng thành phố tìm cách bảo trợ thánh đường và những người của thành phố. Nếu không đạt được, thì họ cho xây cất một nhà thờ khác thuộc hẳn về đô thị hoặc họ xoay sở chiếm đoạt nhà thờ giáo xứ bằng cách lập một giám sở. Rồi trong nhiều đô thị ở khắp đế quốc, giám mục chỉ còn được tự do xử dụng một bổng lộc mà thôi. Các đô thị còn tìm cách bảo trợ các tu viện ở trong nội địa thị xã. Họ cắt đặt giám quản và mỗi năm giám quản phải tính sổ sách với họ. Dĩ nhiên hội đồng thị xã cũng còn vấp phải một đặc ân cổ truyền có giáo luật bảo đảm, đó là các giáo sĩ được miễn thuế. Càng nhiều bất động sản đem dâng cho nhà thờ và tu viện thì càng bớt rất nhiều nguồn lợi do các thị xã đánh thuế. Người ta còn có thể ban các đặc ân ấy cho các giáo sĩ bình thường, nhưng người ta lại hay dâng cho các tu viện và hội lập ở ngoài thành phố hay cho giáo sĩ thừa hành chức vụ trong lâu đài phong kiến. Hơn nữa những hàng hóa các tu viện cho nhập cảng hay những tiệm quán thuộc các giáo sĩ thì lại cạnh tranh với các nhà tư sản hoặc phương hại tới ngành thương mại ở các hải cảng (bên Thụy Ðiển). Vì thế thị xã bắt buộc những cơ sở của Giáo Hội phải đóng thuế, hoặc hoàn toàn cấm không được thiết lập những cơ sở ”không được chuyển nhượng”. Cũng vậy, các bệnh viện nhận được thường xuyên nhiều của dâng cúng, thì phải sáp nhập vào thị xã và những viên quản lý trở thành đại diện độc nhất của bệnh viện. Các chức vụ thì đã có các nhà tư sản thành phố đảm nhận và những quyền bảo trợ bệnh viện thì được đặt trong khuôn khổ cai trị của thành phố. Thế là vào thời Canh tân Ðức Tin, song song với việc Cải cách Giáo Hội phong kiến thời hậu Trung Cổ, thì có một hệ thống bưng bít về quyền tối cao của Giáo Hội trong các đô thị, nó giữ một vai trò quyết liệt trong vận mệnh cuộc Cải cách ở các đô thị trong toàn đế quốc.
Vì có nhiều nhà thờ và nhà nguyện được thiết lập thì cũng phải có nhiều giáo sĩ. Ðây là trường hợp các thành phố ở Ðức, còn phụ thuộc vào một ông hoàng, cả ở những tỉnh Hòa Lan cũng vậy: nhiều tỉnh cũng lớn bằng Luân Ðôn (3). Do đó suốt thế kỷ trước Cải cách số giáo sĩ tăng lên kinh khủng và có thể trong hết các nước. Thật khó mà đưa ra những con số đích xác, bởi vì số các bổng lộc không nhất thiết hợp với số giáo sĩ, nhưng một ít thí dụ cũng đủ diễn giải một tình hình đã trở nên phổ cập. Ở nhà thờ chính tòa Strasbourg năm 1521 có 24 kinh sĩ, thêm vào đó có hội đồng giáo sĩ không thuộc phái thượng lưu gồm có 73 người được bổng, và để thừa hành các nghi lễ, thì được giúp thêm 32 tuyên úy. Năm 1536 nhà thờ chính tòa Yord gồm có 55 tuyên úy. Khi Têrêxa d'Avila lập dòng thứ nhất ở Medina del Campo, trong thành phố này, theo những sưu tầm của sử gia, thì ngoài hai giáo xứ, có tập đoàn viên với hai hội 80 giáo sĩ, 18 tu viện và 9 bệnh viện. Ở Anh, có tới 12 nghìn giáo sĩ triều cho chừng hai triệu dân (4).
Trái với những gì xẩy ra tại các đô thị, chỗ đứng của các hiệp sĩ và nông dân thì càng ngày càng yếu. Guồng máy võ bị càng khuếch trương, hỏa khí và lính đánh thuê càng được trọng dụng thì hiệp sĩ càng trở nên thừa. Tài sản của phái này cũng như tài sản của Giáo Hội thường gồm có các bất động sản, nhưng hiệp sĩ thì hung tàn, còn thương mại thì làm cho các đô thị lân cận càng ngày càng giàu có. Thế rồi giai cấp hiệp sĩ phân tán, mỗi người trở thành ích kỷ và tự khép vào bản thân mình. Hiệp sĩ không còn phục dịch vương quốc hay đế quốc, mà một mình, họ chống đối hết mọi luật lệ an ninh quốc gia. Một số đông hiệp sĩ còn tin vào một tình hình sắp sửa bị lật ngược, do đó ngay từ đầu họ hoan hỉ chào mừng Luther xuất hiện, họ tưởng rồi đây có thể nhân danh họ và bổng lộc của họ mà hủy diệt các tài sản của Giáo Hội. Nhưng khi Sickingen cho quân đi bố ráp Trêves thì đã thất bại nặng nề, làm ảnh hưởng tới hết các tổ chức hiệp sĩ.
Còn nông dân, họ cũng bất mãn và không chỉ ở Ðức mà thôi. Ở Anh, các điền chủ bỏ nông nghiệp để chăn nuôi, đổi chế độ thuế thập phân thành thái ấp. Ruộng đất trở thành cách đặt lời cho những thương gia làm giàu và trong hệ thống kinh tế căn cứ vào chăn nuôi này, thì chỉ cần rất ít tá điền. Nông dân bỏ quê ra tỉnh và trở thành thợ ăn lương làm công cho kỹ nghệ đang phát triển. Ở Ðức tình hình kinh tế của nông dân không đến nỗi xấu, nhưng họ thiếu tự do, trừ một ít trường hợp. Có nhiều cấp bậc phụ thuộc khác nhau nhưng rốt cuộc cũng thu lại một thứ, nói chung, đó là những kẻ ”đáng thương” hay những ”người dân đen”. Việc khai thác thái ấp của các ông hoàng trở thành chế độ nông nô. Người ta nhận thấy ở miền Flandre và miền sông Rhin, công việc của nông dân càng ngày càng thu hẹp. Nông dân trở thành tá điền, nhưng điều làm cho họ bực tức nhất, đó là những thứ thuế tô, thuế nhà, những quà cáp hằng năm, những biếu xén dâng cúng khi có người chết, sự hạn chế tự do di chuyển, cấm săn bắn, cấm đánh cá và nhất là đổi các lễ lạc biếu xén thành tiền tệ và những thứ sưu thuế mới; tất cả những sự việc này, đối với chủ hay vương hầu bá tước, là để bù vào đồng tiền bị phá giá. Các địa chủ - và Giáo Hội cũng thuộc vào hạng này - mỗi lần có người chết, lại tìm cách trao thái ấp với những điều kiện mới và biến những thái ấp thừa kế thành thái ấp tạm thời. Nông dân phản kháng và khiếu nại tới ”quyền cổ xưa” và coi thái độ của chủ là một cách vi phạm luật Chúa và luật loài người. Việc áp dụng luật Roma và lối làm giàu của giai cấp tư sản tự do làm cho nông dân càng căm hờn và trước khi Luther xuất đầu lộ diện, đã xẩy ra những cuộc nổi loạn nông dân, nhất là trong vùng cao nguyên sông Rhin, ngay cạnh Thụy Sĩ, là nơi nông dân đã biết củng cố tự do chính trị và xã hội. Tuy thất bại, nhưng họ vẫn không làm mất niềm tin thầm kín vào một cấu trúc công bằng phù hợp với tôn ý Thiên Chúa.
III. KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ
Cả trong phạm vi chính trị, nguyên quán của Cải cách cũng nằm trong một khủng hoảng trầm trọng. Ðể nhận định rõ, chỉ cần so sánh tình hình ở Ðức với tình hình ở Pháp. Ở Pháp, nhà vua đương đầu được với tất cả những lực lượng ly tâm và nhất là với những nỗ lực của các chư hầu. Từ cuộc chiến thắng người Anh và cuối trận chiến một trăm năm (1453), các xứ chư hầu và nhất là miền Anjou, Maine và Provence đã được sáp nhập vào vương quốc, miền Bourgogne chịu thần phục, Bretagne liên minh do có cuộc kết hôn. Ðại vương quốc Pháp tân tiến đã là một vương quốc tập trung, đứng đầu là một ông vua chuyên chế, tất cả đều phải qui phục kể cả sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội. Nội các không là gì khác hơn là tòa án của nhà vua. Từ 1438 ở Bourges đã có một hội nghị giáo sĩ nghiên cứu những quyết nghị của công đồng Bâle; hội nghị yêu cầu nhà vua chấp thuận và nâng đỡ những quyết nghị ấy để có thể đưa ra thực hiện ở Pháp. Ðể bù vào những nhượng bộ bên ngoài, sau đó Louis XI được giáo hoàng ban cho tước hiệu là ”Vua rất Kitô” (Rex christianissimus). Quyền hành của nhà vua thật là vô bờ, để có thể bổ nhiệm các giám mục và các bề trên tu viện. Tình trạng này còn được thỏa ước năm 1516 pháp lý hóa. Trong nội bộ Giáo Hội, thì thế lực của nhà vua không tăng thêm, nó không dựa vào nội bộ nước Pháp, như vào Vạ Thực Tiễn Bourges, nhưng dựa vào uy thế của giáo hoàng. Bởi vì giáo hoàng nhận cho nhà vua được quyền bổ nhiệm cho hết các tòa giám mục và tu viện trên toàn cõi xứ sở và được giải quyết ngay trong nước Pháp mọi cuộc tranh chấp không liên hệ tới các giám mục; hơn nữa, giáo hoàng không can thiệp vào những thủ tục bổ nhiệm (theo dõi, dự bị vv...). Như vậy, nhà vua trở thành ”nhân vật đệ nhất của Giáo Hội trong nước”; Ðồng thời, nhà vua cứ theo lương tâm mà bổ nhiệm các giám mục tốt. Quả vậy, suốt mấy thế kỷ sau, ban cố vấn lương tâm của nhà vua hầu như luôn luôn đề nghị với nhà vua nhũng nhân vật có thế giá, riêng dưới triều Henri III, nhà vua vẫn thường cắt đặt những người dân thường đứng đầu các tòa giám mục và tu viện (5). Thế nhưng, mặc dầu có thỏa ước, vẫn không hết ”những bê bối trong thể chế và phong hóa” (Imbart de la Tour), những hỗn loạn tung hoành trong Giáo Hội, bởi vì có sự phân tán từng nhóm nhỏ, chia rẽ để tranh giành quyền lợi, cố kết để tranh đấu càng được nhiều tự do càng hay. Các tổ chức bảo trợ và các cơ chế tôn giáo làm tan rã các giáo phận, các hệ thống giám hộ phá đổ mọi sinh hoạt tư riêng của các cộng đồng tu trì, đến nỗi những Cải cách cần thiết luôn bị cản trở và đình trệ.
Ở Ðức thì rất khác. Suốt thời cai trị khá dài và ít nghị lực của hoàng đế Frédéric III, trong thể kỷ XV, óc độc lập và ích kỷ của những thế lực cai trị cũng tăng thêm. Ðế quốc chẳng qua chỉ là một liên minh giữa các ông hoàng: họ chỉ hợp tác với nhau khi giây liên hệ với triều đình lỏng lẻo. Mọi chương trình huy động các lực lượng của đế quốc, vào khúc quặt của thế kỷ, đều thất bại. Dựa vào các ông hoàng cử tri, tổng giám mục Mayence, Berthold von Henneberg đã quan tâm quy tụ các ông hoàng người Ðức lại để đi tới một nền hòa bình lâu dài và lập một tòa án chung (tòa án của Nghị viện đế quốc) và một thứ thuế cho toàn quốc. Bởi vì các ông hoàng chưa được chuẩn bị để nhận những hy sinh cần thiết, cho nên vua Maximilien đã lèo lái mọi Cải cách hầu thủ lợi riêng và còn ngăn cản nhiều Cải cách khác. Nội các bị lật đổ và không được lập lại, ngay cả khi Charles Quint điều đình với các hoàng tộc. Khi Maximilien chia đế quốc thành 10 địa hạt thì chỉ là phương sách vũ trang và mới thực hiện được tại miền Nam Ðức mà thôi. Vì thế, ngay đầu cuộc Cải cách, người ta thấy hoàng đế có một triều đình quyền thế, nhưng phần lớn lại ở ngoài địa hạt đế quốc, đối diện với một quốc hội gồm những đại biểu chỉ lo củng cố những quyền lợi tư riêng. Trong cuộc tuyển cử năm 1519, ông hoàng cử tri Mayence gọi đế quốc là một chính thể quí tộc của các ông hoàng với quyền tối cao là Hội nghị chính trị. Người ta nhận thấy việc cải cách đế quốc là điều cần thiết, nhưng Charles Quint lại không tài nào làm nổi. Phải dựa vào cơ sở cuộc khủng hoảng hiến pháp này thì mới hiểu được: thái độ kỳ dị của quốc hội và các ông hoàng lúc bắt đầu cuộc Cải cách, việc nước Pháp gặp cơ may chiếm được vương miện đế quốc, nạn tham nhũng thường nhật, và cuộc phản bội của Maurice de Sace.
Ngay trong đường lối chính trị đối với Giáo Hội, các nước Germaniques không đạt tới thế lực như ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha, là những nơi đã có thể thành lập một Giáo Hội quốc gia. Tuy có những trào lưu tương tự, nhưng chỉ là công việc của một số các ông hoàng và mấy nhân vật địa phương, vì được hưởng nhiều đặc ân rộng rãi của giáo triều. Khi cậy vào giáo triều, khi không, các ông hoàng theo đồng nghiệp lân bang, hạn chế quyền các giám mục, dùng quyền pháp lý để đi kinh lý các giáo xứ và các tu viện nằm trong địa hạt mình, đòi được kiểm tra tài sản Giáo Hội, kiểm tra việc tuyên bố các ân xá, nếu ân xá dính dấp với việc lạc quyên thì được phép hay không, còn tùy ở việc giàn xếp tài chính. Trên kia đã nói là các thành phố trong đế quốc theo gương các ông hoàng như thế nào. Thế nhưng việc bổ nhiệm các giám mục thoát khỏi quyền các ông hoàng, trừ một ít tòa giám mục miền Bắc và Ðông. Chính quyền trung ương khác với chính quyền của vua nước Pháp ở chỗ không có một ảnh hưởng pháp lý nào cả. Việc bổ nhiệm các chức vị vào tòa giám mục, chiếu theo thỏa ước Vienne 1448, thường được thực hiện bằng việc bầu cử của các kinh sĩ đoàn, sau đó được Roma chuẩn y. Có những nố trừ về khỏan này: đức giáo hoàng giành lại những ngôi tòa của các vị quá cố trong khi làm việc tại giáo triều hay những tòa mà việc bầu không hoàn toàn đúng giáo luật, cho cả đến trường hợp bầu đúng theo giáo luật nhưng hội đồng các hồng y nhận thấy có đủ lý do để tiến cử một vì xứng đáng khác. Cách sắp xếp rất mềm dẻo này gây ra nhiều khó khăn. Giáo triều còn giữ cho mình một ít ảnh hưởng trong việc thiết lập các thành phần bầu cử, vì có quyền xử dụng một nửa các bổng lộc của trường hợp trống ngôi trong kinh sĩ đoàn (hệ thống các ”tháng giáo triều”). Sau cùng, mỗi khi có cuộc nhận chức mới ở các nhà thờ chính tòa và các nam tu viện, người ta phải nộp một thứ lệ phí dịch vụ gọi là thuế ”an-nát” (thuế tăng lữ). Qui chế này là cơ sở căn bản trong mọi tương quan giữa Giáo Hội và đế quốc mãi cho tới năm 1803. Người ta chưa đi tới thỏa ước như ông hoàng cử tri Mayence Berthold von Henneberg, mong muốn.
Qui chế này, không những bất lợi hơn qui chế hiện hành trong các quốc gia khác, mà trong thực hành còn làm nảy sinh nhiều tình trạng rất tai hại. Mấy vì giáo hoàng thời Phục hưng muốn mở rộng quyền hành và thuế má. Cuộc săn tiền tài và địa vị đã thu hút nhiều giáo sĩ Ðức tìm đến Roma, nơi họ hy vọng được thăng quan tiến chức. Tất cả sự việc này đã gây ra ở Ðức khá nhiều căm hờn, nhiều tâm tình chống đối Roma và phản kháng giáo sĩ, để rồi trong các hội nghị vua chúa và các công đồng, tất cả đúc kết thành những bản cáo tội chống Roma. Người ta cũng phàn nàn vì những vụ kiện bị trì trệ khi khiếu nại tới Roma. Từ năm 1458, những ”khống cáo của quốc gia Ðức về những tệ hại gây ra cho Giáo Hội Ðức” đã giữ một chương trình lớn trong những buổi họp của quốc hội, nhất là từ khi nhà nhân bản người Alsace Wimpfeling đã thu tập thành một tập sách, theo lời yêu cầu của hoàng đế Maximilien (1510). Có tới hằng trăm lời tố cáo được diễn giải trong cuốn ”Gravamina”, thế nhưng Roma giả điếc làm ngơ, vì thế những tố cáo này đã gây ra náo động trong quốc hội ngay đầu cuộc Cải cách và dập tắt những khiếu nại của các sứ thần Tòa Thánh chống lại sự can thiệp của đế quốc.
IV. GIÁO SĨ VÀ GIÁM MỤC
Tình hình kinh tế của các linh mục thành phố và các cha sở miền quê rất khác nhau. Bên cạnh những bổng lộc gần như của các ông hoàng thì đại đa số các cha sở miền quê chỉ có những bổng lộc rất trung bình, gầy còm là khác, còn những tuyên úy và phó sở thì chỉ có những huê lợi cùng cực. Các phó xứ sáp nhập vào tu viện cũng chỉ được hưởng những lợi tức rất khiêm tốn và đó là tình hình chung hầu hết các nơi. Quá nửa các giáo xứ bên Ecosse bị sáp nhập vào tu viện và các cha phó được hưởng một bổng lộc rất nhỏ. Trong bài tường trình của giám mục Clermont gửi về công đồng Trente năm 1546, người ta nhận thấy, trên 800 giáo xứ trong địa phận, chỉ có 60 thực sự nằm trong tay cha sở, còn tất cả những giáo xứ khác được trao cho các cha phó, và nhiều khi các ngài chỉ lĩnh được 10 hoặc 12 đồng bảng anh. Vì quá nghèo khổ, họ không có khả năng đứng lên chống lại bất công (6). Một cuộc điều tra mới đây cho biết, ở miền Flandre, ngành giáo sĩ cũng chỉ là một bậc thang xã hội rất tương đối: linh mục mới chịu chức thì đã nắm chắc một bổng lộc, thế nhưng vẫn phải sống nghèo suốt đời. Nói chung, họ còn phải tăng thêm lợi nhuận bằng công việc do tay mình làm ra. Nếu không có bổng lộc thì phải đi khất thực. Có những hội nghị cho rằng nếu các linh mục có một nghề thì cũng là điều tốt, như vậy là sự nghèo khó này được coi là tự nhiên vậy thôi. Ơn thiên triệu không thiếu, điều đó chứng tỏ rằng giới thanh niên còn ôm ấp một lý tưởng, hay là dấu hiệu cho biết địa vị linh mục trong xã hội vẫn có một sức thu hút. Về khả năng tăng thêm lợi nhuậm thường có: ở thành phố, làm nghề viết thuê, đóng sách hay làm nghề bốc thuốc; ở thôn quê, làm vườn, đi cày hoặc trong nhiều trường hợp làm ruộng cho Giáo Hội, như vậy linh mục liên hệ chặt chẽ với giáo dân, hiểu biết nhu cầu của họ, nhưng đồng thời không tránh khỏi lỗi phạm như họ. Nếu hơn nhiều lần người ta phàn nàn về các linh mục tranh chấp nhau, ham đánh cờ bạc, nghiện rượu, lê la nơi tửu quán, thì cũng nên hiểu họ qua hoàn cảnh đó vậy.
Việc huấn luyện các linh mục dĩ nhiên cũng khá thô sơ. Ða số các giáo sĩ tương lai được tập sự trong nhà cha sở, để sau này có thể làm cha sở của giáo xứ. Ở đây, họ học qua loa tiếng latinh, dâng thánh lễ và làm các phép bí tích, họ thấm nhuần hình ảnh linh mục lý tưởng nếu họ có hình ảnh ấy trước mắt, nhưng họ cũng hay gặp những linh mục tầm thường. Các trường giáo phận và tu viện chỉ dung nạp được một thiểu số ứng viên linh mục. Trường dạy la ngữ trong thành phố thường chỉ dạy cấp sơ lược cho những kẻ nhận đi hát rong ngoài phố để kiếm sống. Còn theo các phân khoa đại học, lúc ban đầu rất hiếm. Chỉ từ hậu bán thế kỷ XV, mới có người đến trường đại học, và người ta cũng rất ít theo khoa thần học. Trong giáo phận lớn nhất ở Ðức là Constance, có 17.000 linh mục, nhưng chỉ có chừng 4.700 theo đại học trong suốt 50 năm đó (7). Trong những thập niên đầu thế kỷ XVI, có chừng hơn một nửa linh mục theo đại học. Họ có những điều kiện thuận lợi vì ba trường đại học nằm trong ranh giới giáo phận hoặc rất gần. Ở Anh cũng có những con số tương tự.
Muốn theo đại học, thường phải có bổng lộc làm căn bản kinh tế, nhưng lại không hợp với qui chế buộc các cha sở phải định cư tại chỗ. Có những trường hợp được miễn vì phải theo cao học, như vậy chứng tỏ Giáo Hội đề cao vấn đề học vấn, nhưng lại thấy có sự chểnh mảng về mục vụ. Thực vậy, người ta tăng thêm việc đặt các cha phó như kẻ ”làm thuê”, ít nhiệt tâm đối với giáo dân chưa được trao phó cho mình và như vậy sinh hoạt mục vụ rất bấp bênh. Thật khó đưa ra những con số đích đáng để biết việc định cư của các linh mục được tôn trọng đến mức độ nào. Các dữ kiện nêu ra còn mang nhiều nghi vấn, hoặc vì tùy từng miền mà hiểu nghĩa khác nhau của tiếng giáo sĩ, hoặc vì thiếu yếu tố để so sánh. Nhưng chắc là vào thế kỷ XVI, tình hình ở Pháp và ở thung lũng sông Rhin yếu kém hơn tình hình ở các vùng Flandre hay trong giáo phận Utrecht.
Trong sinh hoạt giáo sĩ thời đó có nhiều lầm lỗi cá nhân, trong đó sự kiện hầu thiếp khá thông thường. Bản thống kê trong các lần giám mục đi kinh lý nói tới 1/4 (Hòa Lan), có khi 1/3 (Rhénanie 1569) các linh mục sống trong tình trạng ấy. Sổ các hình phạt của tòa án đạo Châlons nhắm tới con số 1/4 các giáo sĩ. Có từng tá linh mục bị niên trưởng tố cáo với giám mục hoặc tự thú nơi giám mục về tội đó. Nhưng hình như lỗi này không thể nhổ đi được, còn các tòa án giáo tỉnh lại thiếu nghiêm khắc. Thường thường phạm nhân bị trục xuất về gia đình với một món tiền phạt và khi bắt bỏ hầu thiếp, thì đa số không tuân theo. Trong các thôn các xã, sự kiện hầu thiếp được coi như không sao tránh được, một phần vì công việc của cha xứ bề bộn. Trước mắt đa số nữ giáo dân, đó không phải là một gương xấu và theo ý kiến của nhiều linh mục thì đó là một tội có thể chuộc được. Như vậy đủ hiểu là tinh thần phục vụ việc thánh đã xuống thấp trong lãnh vực này. Ðiều gây gương xấu, đó là dự định nhường lại bổng lộc cho đứa con sinh ra bởi sự chung sống với hầu thiếp này. Thực ra, phải có phép chuẩn của Roma thì mới được phong chức cho các con của linh mục, và người ta cũng thường nhận được phép chuẩn ấy. Cũng như về việc định cư, ở đây khó đưa ra con số chính xác. Sổ sách giáo phận hiện còn giữ được, không ghi đầy đủ các nố trong tòa án. Lại nữa, gương tốt của một số linh mục được may mắn truyền lại cho hậu thế, thì hoặc do văn khố riêng của họ để lại, hoặc do hồi ký ghi lại mà thôi. Như trong các miền nói tiếng Ðức, cha sở tỉnh Bâle là Ulrich Surgant (+1506) giảng rất hay và làm việc mục vụ rất được các đồng đội ca ngợi; vì giảng thuyết nhà thờ chính tòa Strasbourg là Geiler de Kaiser (+1520), hoặc linh mục Souabe Heinrich von Pflummern ở Biberach (1475-1561), vị này không hề nhận bổng lộc nào để có thể phục vụ Thiên Chúa và các bệnh nhân ở bệnh viện một cách tốt hơn. Nhiều linh mục trung thành làm việc âm thầm không cần ai chú ý đến. Những linh mục này còn đáng khen ngợi hơn vì họ ”tự lực cánh sinh” (8), không được đào luyện về tôn giáo và tu đức trong chủng viện, không được gương sáng một thánh giám mục thu hút, không được nâng đỡ bởi gương sáng của các đồng sự cùng một địa hạt, cũng không có quản hạt hay giám mục đi kinh lý giúp họ tránh lỗi phạm. Dĩ nhiên có nhiều linh mục nhiệt tình với lý tưởng, họ họp nhau thành hội huynh đệ linh mục. Những hội này có nhiều, nhưng thường họ chỉ hoạt động khi có lẽ trong kinh sĩ đoàn và những lễ cầu cho các thành viên quá cố. Nhưng cũng có một số rất linh động và có những qui chế minh bạch để củng cố đời sống linh mục đều đặn, theo tinh thần các dòng tu, như dòng Biển Ðức và dòng Prémontrés. Không có tu đức học hay thần học thích nghi riêng cho giáo sĩ địa phận. Thực ra có thiếu là thiếu ý thức về phận sự mục vụ. Phận sự cốt yếu của họ chỉ là đọc sách nguyện, làm lễ, giữ sổ lễ, sổ dâng cúng và lễ giỗ, coi sóc nhà thờ và tài sản của nhà thờ, giảng khi không có một giảng viên thực sự, làm các phép cho người hấp hối, đưa đám tang, trông coi việc áp dụng giáo luật trong xứ. Các linh mục không dạy giáo lý trẻ em, việc này dành cho các phụ huynh, không buộc xưng tội đều đặn, không thực sự lo cho các chiên lạc, không chung sức làm việc tông đồ cho có hiệu quả hơn; trong thực tế, người ta tưởng nguyên việc giữ đúng giáo luật đã đủ làm thành một giáo xứ theo tinh thần Kitô giáo. Năm 1549, Bucer còn viết về nước Anh của Edouard VI rằng: Giáo sĩ chỉ lo lễ lạy, rất ít khi giảng và không bao giờ dạy giáo lý (9).
Khích động tinh thần mục vụ là việc của giáo phẩm, nhưng phải chăng là đòi hỏi điều không thể được nơi những con người hầu hết thuộc hàng quí tộc, lớn lên trong việc quản lý và thụ hưởng bổng lộc, và cách chung chỉ học giáo luật trong trường đại học mà thôi. Họ được bổ nhiệm khi còn quá trẻ tuổi vì hoàn cảnh gia đình. Họ bị phiền hà vì những món nợ của kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa để lại, bị lôi cuốn vào nhiều việc chính trị. Hơn nữa thường lại có mấy giám mục bất xứng và nhiều vị khác không đủ hiểu biết phận sự trong chức vụ mình. Tổng giám mục Magdebourg, là Albert de Brandebourg, ngoài thành phố Halberstadt, còn tìm cách nhận thêm Mayence, chủ yếu chỉ vì những lý do kinh tài và vì danh dự của dòng họ. Ông thuộc loại tiêu biểu nhất trong những giám mục ”tiền tài, dòng họ và chính trị”. Nhiều giáo phận trở thành đối tượng tranh chấp lâu dài: ở Constance có hai ứng cử viên tranh chấp là giáo hoàng và hoàng đế, cả hai tranh dành cho được tòa này; trong vùng Flandre lại là giáo hoàng và vua nước Pháp đương đầu đấu tranh. Ở đây có những tòa trống ngôi suốt nhiều năm, các tòa giám mục chỉ là những bàn đạp để chiếm tước chiếm vị, để bước lên bậc thang tiến cử cao hơn. Nhiều giám mục không bao giờ đến giáo phận của mình. Hồng y Hippolyte d'Este là tổng giám mục Milan, từ 1520 tới 1550, chưa bao giờ đi kinh lý giáo phận. Hồng y tương lai Accolti (1532) là người soạn thảo sắc lệnh ”Exsurge” (Hãy chỗi dậy) để chống Luther, ông bắt đầu làm giám mục Ancône, rồi lần lượt cùng một lúc kiêm cả tòa tổng giám mục Ravenne, các giáo phận Cadix, Cremone, Maillezai và cai quản giáo phận Arras, rồi một khi làm hồng y thì bỏ Albano tới Sabine, qua Palestrina (10). Cả Cadix lẫn Arras, không bao giờ được thấy mặt ông! Có những giám mục khác nhận tòa chỉ vì đã phục dịch triều đình, không những cho giáo triều mà cho cả hoàng triều nữa, nhất là triều các vua Pháp hoặc Anh. Trên 15 giám mục bên Anh năm 1517 thì 10 vị trước đây phục dịch nhà vua. Người ta cần các ông để làm việc ngoại giao trong khắp Âu Châu, vì thế họ không thể định cư tại chỗ được. Vương quốc hải đảo (Anh) từ mấy thế kỷ đã cởi bỏ được những vụ can thiệp của giáo hoàng trong công việc bổ nhiệm, nhưng có lẽ vì còn yếu thế nên vẫn còn phải học để biết người ta kiêm nhiệm và hưởng bổng lộc làm sao. Wolsey, đại pháp quan Anh đã chiếm cho mình mấy giáo phận và tu viện. Trên 15 giám mục thì chỉ có 3 thần học gia, người nổi tiếng nhất là John Fischer, giám mục Rochester. Hết các người khác thì chỉ theo học luật đời hơn luật đạo. Vì thế mà người ta dễ hiểu các giám mục thời đó hầu như không có ý niệm gì về nội dung thần học, về dấu ấn bí tích trong chức vụ và bổn phận của mình. Liên hệ của họ với giáo hoàng thì rất mực lỏng lẻo. Họ tự coi mình như những quan tòa và kẻ cai trị, chứ không phải là bậc tiến sĩ và mục tử trong giáo phận mình. Trái lại, bắt chước giáo triều và hoàng triều, họ cho thành lập một dinh chưởng ấn đồ sộ, trao cho tổng đại diện việc giao tiếp với các linh mục và trao những chức vụ giám mục cho một phó giám mục, thường được chọn trong các tu sĩ dòng Khất thực và chịu dưới quyền tổng đại diện.
Thế nhưng tại nơi nguyên quán của Cải cách, cũng có những luật trừ và có khá nhiều. Có thể kể ra đây các giám mục Augsbourg, Constance, Strasbourg, Eichstatt và nhiều nơi khác. Một số người trong nhóm này đi giảng dạy cho giáo dân, thật gần như một phép lạ; tất cả hội nhau lại thành hội nghị và cho thiết lập qui chế để chỉnh đốn tình thế. Suốt hậu bán thế kỷ XV, đầy những ướm thử Cải cách, những hội nghị Cải cách. Thế nhưng những trào lưu đó không gây nổi được uy thế cấp bách thi hành, bởi vì thái độ các giám mục và các tổng đại diện quá nệ vào giáo luật, chứ không có tinh thần mục vụ, vì họ không làm việc chung với nhau, không tìm được đủ người cộng tác và nâng đỡ ngay trong lòng kinh sĩ đoàn, và nhất là không có việc Cải cách từ chóp đỉnh, tức Cải cách giáo triều Roma và các giáo hoàng, và bởi vì họ còn bị tù hãm trong hệ thống và chính sách bổng lợi. Sau đây sẽ đặt vấn đề tình hình giáo triều trong thời các giáo hoàng Phục Hưng.
V. CÁC TU VIỆN
Vắn tắt về các tu viện. Ở đây bức tranh cuũng tương tự như trên. Nơi các tu sĩ Biển Ðức, các trào lưu Cải cách đã phát hiện từ nội bộ của Dòng. Ðược đào luyện ở Subiaco, được kích thích theo những tổ chức thực hiện ở Ý và ở Tây Ban Nha để canh tân sinh hoạt tu trì, các trung tâm Cải cách được phát triển ở Melk bên Áo, ở Kastl bên Palatinat, ở Bursfelde cạnh sông Weser và có sự thành công khá lớn. Thế nhưng, tuy có một số giám mục ủng hộ phong trào Cải cách, nhiều tu viện vẫn tìm cách thoái thác, với phép của giáo triều Roma, họ tự biến thành cộng đồng các kinh sĩ triều. Nhiều khi có tôn chủ họ đến kinh lý, nhưng đó đây họ kháng cự ra mặt. Những cố gắng Cải cách làm tăng thêm ơn kêu gọi, và như vậy, phải xây cất thêm nhiều nhà mới. Cũng thế, về hoạt động văn hóa, hơn cả hoạt động khoa học chính cống, thấy có một triển khai mới. Những ham mê xây cất và mối lo củng cố độc lập đối với các ông hoàng, sự gièm pha nhỏ nhoi của những trào lưu Cải cách khác, tất cả đã ngăn cản những bước đầu này chín muồi đầy đặn hầu đạt tới những hiệu quả tốt đẹp. Do đó việc Cải cách dòng Biển Ðức ở Ðức vào khoảng năm 1500 đã không thành tựu. Trong khi các tu viện Ðức, tương đối giàu có và phần nào độc lập đối với quyền thế các ông hoàng, được hưởng chế độ miễn dịch, thì các tu viện ở Ecosse phải chịu quyền các viện trưởng có bổng lộc do nhà vua bổ nhiệm. Các tu viện thánh Benoit bên Anh ít hơn các nhà của kinh sĩ dòng Augustin, đa số nghèo hơn những tu viện bên Ðức và ít ra trong các tu viện nhỏ, họ thường bị lệ thuộc vào viên ”thái thú” đại diện ông hoàng. Ða số các nhà không được hưởng quyền miễn dịch và bị đặt dưới quyền các giám mục. Những tờ báo cáo kinh lý giám mục thường phàn nàn về sự chểnh mảng trong việc đọc kinh chung và tham gia đời sống công cộng; trong một ít nhà, người ta cũng báo cho biết có mấy gương xấu và có xáo trộn. Nói chung, về mặt tôn giáo và luân lý, 800 tu viện trong nước chỉ có mức độ trung bình.
Bên cạnh các tu viện cũ thành lập theo luật thánh Benoit hay thánh Augustin, còn có nhiều nhà thuộc Dòng khất thực, đa số lệ thuộc vào sự kiểm soát của các thị xã. Ở mấy tỉnh nhỏ trong đế quốc, ở Ðức, trong nội địa, có những nam tu viện thuộc về bốn dòng khất thực, lại thêm nhiều nữ tu viện và các dòng ba. Ở Anh, một nửa con số 177 tu viện khất thực ở vào trung tâm và ở phía Ðông.
Trong đời sống tâm linh của những tu viện ấy, người ta thấy luân phiên liên tục có suy thoái và có Cải cách. Ở Ðức người ta có đủ chứng từ và những vụ kiện, Bắc cũng như Nam, cho biết những căn bệnh rất có thật, ngay cả khi người ta uốn nắn lại cho công bằng hơn những ngoa ngôn của mấy ông hoàng hay của mấy thị xã muốn thổi phồng để giữ quyền lợi. Những căn bệnh này len lỏi tới các nữ tu viện cũng như nam tu viện. Ở đây cũng không nên dừng lại ở những thái quá và thiếu sót lẻ tẻ và rất trầm trọng đã gây gương xấu nghiêm trọng, vì nếu không hiếm thì chúng cũng không có thường xuyên; hẳn là người ta có khuynh hướng vơ đũa cả nắm hoặc thổi phồng cho to thêm. Ðiều trầm trọng và thông thường hơn cả là sự tan rã một số trong những yếu tố căn bản của sinh hoạt tu trì như: phá bỏ hàng rào ngăn cách vì nhiều lý do khác nhau, thiếu sót sinh hoạt chung, quyền tư hữu, cho dù chỉ hữu hạn. Người ta nhận phần hương hỏa của cha mẹ trên những đất đai ruộng đồng ở thôn quê, người ta được xử dụng các huê lợi, người ta làm di chúc và trối lại buồng tu của mình. Người ta nhắm vào cách sinh sống của các linh mục địa phận và người ta tìm cách, như những nhà tiểu tư sản, duy trì an ninh cho cuộc sống. Ngay cả những người có một đời không thể chê vào đâu được, vẫn sao nhãng hoặc bỏ việc học hành, buông mình hưởng thụ và lười biếng, tất cả những việc này thường bị các nhà nhân bản chế riễu và lên án, và đôi khi quá lời một chút. Dân chúng thì hậm hực nhất về các cuộc lạc quyên liên tiếp và về sự tranh giành bỉ ổi giữa các cha sở và tu sĩ về quyền giảng dạy và giải tội, về đám tang ma, các đêm canh thức cầu hồn và lễ giỗ; nhất là tranh chấp này lại thường nhắm vào những bổng lộc và của dâng cúng trong những trường hợp này, điều mà thực ra các cha sở cần đến.
Bên cạnh những việc kể trên, còn có nhiều tu sĩ trung thực. Ở hết các nơi người ta có thể nhận ra những bước đầu Cải cách liên quan tới đa số các tu viện. Những trào lưu này tìm cách canh tân nếp sống cũ, tuân giữ nghiêm chỉnh luật dòng. Các tu sĩ thường hiên ngang vì tuân giữ luật dòng đó. Thế nhưng cả ở các tu viện Ðaminh, nhất là ở Ý là môi trường tân tiến và có óc rất sáng suốt, việc canh tân chưa hoàn toàn thành công. Cho dầu bề trên cả là Cajetan đã thử làm cho các anh em hiểu : ”tất cả đang ở trong tình trạng bị lên án, nếu không có ý chí chân thành đến nộp dưới chân các bề trên tất cả những gì họ đang có”; ông đã thiết lập trong mỗi nhà chức độc sĩ thần học và tuyên bố dòng sẽ tan rã nếu ”trí thức thần học không được chúng ta để tâm tới”. (11) Năm 1515 ông còn lập một tỉnh dòng ở Hòa Lan, cho các tu viện Flamands sáp nhập vào thành tỉnh dòng Germani nội địa. Nhưng trong số 10 tu viện không tuân giữ của tỉnh Teutonie năm 1520, thì có 39 tu viện tuân giữ, trong đó phải kể tới những nhà quan trọng nhất là Strasbourg, Zurich và Ausgbourg. Trào lưu tuân giữ Phanxicô bắt nguồn từ Pháp, rồi lan tràn qua Ðức nhờ sự nâng đỡ của các ông hoàng và phu nhân, và lần lượt qua các tu viện khác mà không gặp trở ngại lớn. Phong trào thành lập một tỉnh riêng biệt với kinh sĩ đoàn và được một thủ lãnh nhiệt tình là nhà thần học thông thái Kaspar Schatzgeyer (+1527) sau này làm tỉnh dòng trưởng. Năm 1527 Léon X cho phép lập hai dòng biệt lập trong nhánh dòng Phanxicô: nhóm tuân giữ và nhóm tiểu đệ, hai nhóm này có khi tìm cách bình phẩm nhau làm phương hại tới việc tốt lành đang hình thành. Nơi các ẩn tu Augustin, dòng mà Luther được đào tạo, thì có Andreas Proles người Saxon (+1503), ông này đã thành công trong việc kết hợp các tu viện tuân giữ dưới quyền một tổng đại diện. Ðến khi được bầu làm tổng đại diện, ông cho thực hiện việc Cải cách một cách nghiêm chỉnh trong xứ sở mình, với sự ủng hộ của chính quyền đời, ông còn thử tìm cách đưa Cải cách vào miền Nam nữa. Sau khi ông mất, thì Staupitz kiên trì tiếp tục thực hiện tuân giữ. Ở đây người ta nhận ra có chia rẽ. Nhóm tuân giữ chối không muốn thần phục quyền một tỉnh dòng trưởng không Cải cách và chính vào dịp này mà Luther lên đường đi Roma. Bề trên cả cương quyết nâng đỡ trào lưu Canh tân. Gilles de Viterbe, Bề trên cả từ 1506 tới 1518, trong bài diễn từ khai mạc công đồng Latran thứ V năm 1511, đã trình bày chương trình Cải cách theo ý nghĩa đích thực của chữ đó, ông đi tìm không phải cái mới mẻ cách mạng mà là Canh tân những cấu trúc cũ.
Ở đây ông tìm thấy những ý tưởng căn bản của Phục Hưng, mà thực ra ông nhận ra có sự hòa đồng với việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong phạm vi Thánh Kinh. Cũng như những người hoạt động khác trong trào lưu Cải cách ở những dòng khác, ông thiếu sự nâng đỡ kiên trì và kiên quyết của các giáo hoàng. Những quyền lợi mâu thuẫn của các ông hoàng và các đô thị cũng làm ngăn trở sự thống nhất trong hành động.
Cuối thời Trung Cổ, ít được thành lập các dòng mới và dòng có giá trị. Tương đối quan trọng là hội ”các huynh đệ chung sống” hay ”các thày huynh đệ” như người ta thường gọi lúc đó; hội được thành lập ở Utrecht và ở Deventer vào cuối thế kỷ XIV. Cộng đồng giáo dân này không muốn đọc lời khấn minh xác như các tu sĩ, họ giúp ích trong việc giáo dục thanh thiếu niên và đào luyện các giáo sĩ, họ đóng góp vào việc triển khai một nền nhân bản học Kitô thực thụ. Erasme Và Wimpfeling (qua ông thày là Dringenberg) đã được tôi luyện ở loại trường này. Trào lưu ”đạo đức tân tiến”, cái nền đạo hạnh nồng nhiệt này, hẳn là có quá thụ động một chút, qui tụ vào việc tự mình noi gương và học hỏi sâu rộng về Ðức Kitô, nhưng không am hiểu đủ ý nghĩa của Giáo Hội về mặt ân sủng, vì thế trào lưu tìm được mảnh đất dụng võ. Tu viện Windesheim gần Zwolle, được phát triển trong khung cảnh những người đạo hạnh, nên đã trở thành trung tâm Cải cách sâu rộng nơi các kinh sĩ dòng Augustin. Hội dòng lan rộng cho tới miền Magdebourg và có những chi nhánh ở miền Nam cho tới Thụy Sĩ. Còn về các ”huynh đệ” thì họ không ngừng tiếp tục dạy học trong các nước Hòa Lan và Bắc Ðức, mãi cho tới thời Cải cách. Họ được tôn trọng đến nỗi hội nghị Rostock sau năm 1534 còn yêu cầu họ cứ tiếp tục điều khiển các trường học của họ, mặc dầu không một thành viên nào của cộng đồng đi theo Cải cách. Không dễ phân biệt qua cách thức nào mà phương pháp của họ và tinh thần của họ, đời sống khắc khổ, việc chuyên chú đọc Kinh Thánh và suy gẫm của họ, sự gần gũi với các nhà thần bí và từ đó tới thánh Augustin, tất cả đã giúp phổ biến nhanh chóng nền tu đức học của Calvin, rồi nhất là của Jansenius, trong toàn cõi Hòa Lan.
VI. TU ÐỨC GIÁO DÂN
Hình như giáo dân thời ấy có một ngành tu đức khá chủ quan. Thực ra họ kiên trì đi nhà thờ nhà thánh, dự lễ, dự các giờ kinh kệ, nghe giảng, tham gia canh thức, ít chịu phép bí tích, nhưng đa số những liên hệ ấy chưa đủ. Có một lo âu, một thao thức về mặt tôn giáo đã phát hiện nơi giáo dân, ít ra ở Ðức; ”ai cũng muốn lên trời”, như lời một thời sự gia ở Augsbourg thế kỷ XIV đã viết (12), họ tìm hết cách để được cứu rỗi. Cũng như trứớc kia người ta thêm nhiều bàn thờ trong thánh đường, thì ngày nay người ta cũng chồng chất thiên quỹ này trên thiên quỹ khác, ân xá này trên ân xá khác. Vì thế, nhiều kitô hữu chất phác đã tưởng tượng nhờ sức riêng mình mà cuốn hút được ơn Thiên Chúa vào mình, đó là thái độ mà các giảng thuyết viên danh tiếng đã cẩn thận đề phòng. Một sổ kế toán có tính cách gần như thương mại; việc khai thác đạo hạnh do người khác, do các ông hoàng (ở Halle hay ở Wittenberg) hoặc bởi một con buôn ân xá khéo làm khéo nói, tất cả làm thành bộ mặt khác của lo âu. Người ta tìm cho được các vị thánh bầu chữa, quan thày chữa hết các thứ tật nguyền, người ta muốn tìm trong các vật thánh trong nhà thờ (các di vật thánh) để có được những tích chứng sờ mó được về sự cứu rỗi và người ta trưng bày ra nơi công cộng để người ta kính thờ. Người ta thay thế việc đạo đức dựa vào thần học bằng những phô trương thuộc giác quan, người ta đi hành hương để được nhìn thấy, để được sờ mó vào phép lạ. Ðể được thế, người ta không lùi bước trước một hy sinh nào, không bao giờ người ta thấy, từ thời nghĩa binh thánh giá, những đoàn người di chuyển lũ lượt, trên những con đường đưa tới thánh đường thánh Jacques de Compostelle, từ Saint- Michel, Saint-Gilles, từ Einsiedeln, Aix-La-Chapelle, từ Trèves, Giêrusalem, từ Roma, Wilsnack. Trong thành phố cuối cùng này (Tiến lên Brandebourg) mặc dầu sứ thần của giáo hoàng là Nicolas de Cues (1451) đã cấm, người ta vẫn trưng bày những ”mình thánh” đẫm máu, cho tới ngày những người cải cách cho đốt đi. Và hơn thế nữa, mấy giảng viên cuồng nhiệt đã kích thích bản năng quần chúng bằng lối tường thuật (đôi khi bịa đặt) những vụ phạm thượng đến ”Phép Thánh Thể” hay những vụ ám sát theo nghi lễ đột nhiên làm cho quân chúng nổi lên tàn sát người Do Thái. Những dị đoan chung quanh phép Thánh Thể lan tràn rộng rãi và các giảng thuyết viên không ngăn chặn nổi những cuộc hiện ra, những đồng bóng, quỉ thuật, đó là những nét chính trong tấm tranh đen tối. Nhưng cũng có mặt sáng sủa của xã hội: rất nhiều công trình nghệ thuật tôn giáo thoát thai từ lòng đạo hạnh sâu sa, lòng kiên trì trau dồi vẻ huy hoàng lộng lẫy trong các nghi lễ tôn giáo, phát triển các hiệp hội thuộc hết các ngành nghề, mọi môi trường, rất nhiều tổ chức bác ái làm cơ sở cho các công cuộc xã hội ngày nay; so với những cấu trúc hiện thời, thì việc tổ chức hẳn còn bất toàn, nhưng nó chứa đựng một ý chí tự do, một tâm hồn đầy tình huynh đệ và từ bi xả kỷ, và trên hết tất cả là liên hệ chặt chẽ giữa Ðức Tin và những phong tục dân gian. Thí dụ hội dòng Oratoire, hội dòng này là hội dòng của tình yêu Thiên Chúa, trong nước Ý, vào đầu thế kỷ XVI. Tổ chức này cho chúng ta biết sức mạnh của sinh hoạt tôn giáo, thấy những hiệp hội giáo dân đã hình thành trong công cuộc canh tân Giáo Hội, bởi vì hội dòng Oratoire là hình thức cuối cùng của những hiệp hội đã bột phát, khi hoạt động mục vụ chính thức của Giáo Hội thiếu sót và lạnh nhạt. Thêm vào đó, còn có sự phát hành các sách tôn giáo lan tràn khắp nơi: quá nửa số sách ấn hành từ thời phát minh ra ngành in, là sách đạo. Và trong những sách này, một nửa là những sách giáo huấn, sách nguyện gẫm (13) và sách dịch Kinh Thánh, ít ra là ở Ðức và Pháp. Sau cùng giai đoạn này được rực sáng bởi đời sống các bậc chân phúc và hiển thánh, từ một người nông dân bình thường và làm gia trưởng thuộc tổng Thụy Sĩ Unterwalden, vị tông đồ huyền nhiệm của hòa bình, Nicolas de Flue (-1487), cho tới nữ quản gia của hoàng hậu Catherine nước Anh là Marguerite Pole, thân mẫu của hồng y, bị chém đầu lúc bảy mươi tuổi (1541).
VII. CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN
Sự căng thẳng của thời kỳ này còn được phát hiện qua sinh hoạt trí thức của phần ưu tú trong xã hội với trào lưu nhân bản. Tư tưởng của các nhà nhân bản được phổ biến nhanh chóng và lan tràn khắp nơi, do những giao tiếp giữa tư nhân, trao đổi thơ tín và những hành trình xa xôi, do nhà in và ấn hành sách vở. Thật ra đã có nhiều điều kiện thuận lợi: các ông hoàng Ý mở rộng cửa triều đình, có nhiều trường đại học mới, xuất hiện một giai cấp tư bản khá giả điều hành sinh hoạt đô thị. Trước 1500, chủ nghĩa nhân bản mới chỉ là lối sống của mấy nhà bác học hay hội đoàn còn khép kín: với Petrarque, họ ý thức về phẩm giá riêng của họ, họ coi việc phát triển bản thân là nhiệm vụ quan trọng nhất đời họ. Ðể đào tạo con người toàn diện thì phải chịu thương chịu khó theo những lối sống đã thực hiện mãnh liệt nơi các dòng tu. Thế nhưng, nhiều khi các nhà nhân bản thường là những người đời thuộc các dòng tộc tự lập về kinh tế, họ tự ý lánh xa cõi thế giống như những tu sĩ Chartreux và trong một biệt thự nào ở nơi thôn dã hoặc trong thanh vắng của thư viện, họ sống đời dành riêng cho khoa học và chỉ những liên hệ với một số rất ít bạn hữu chọn lọc. Họ không trốn tránh đời như các tu sĩ, mà chỉ vì muốn chuyên chú bảo tồn tự do của họ. Họ có tu thân tích đức thì cũng chỉ là để phát triển bản thân, mở mang triết học, đào tạo cá nhân. Họ không chú ý tới những vấn đề siêu hình và thần học, và lý tưởng tu trì, tuân theo những lời khuyên Phúc Âm, họ cho là không hợp với ý tưởng người ta nghĩ về Kitô giáo. Ðối với họ, Kitô giáo không phải là môi trường để phụng thờ Thiên Chúa, cũng không phải là noi gương Ðức Kitô trong một tinh thần từ bỏ bản thân mình, nhưng là một đạo lý, một triết lý thực tiễn dìu dắt đời mình theo lý trí.
Thêm vào quan niệm cá nhân và thực tiễn đó, người ta còn nhấn mạnh tới hình thức. Dĩ nhiên người ta học hỏi cho biết tổng quát về Thượng Ðế và loài người, nhưng người ta nghĩ có thể đạt tới mục tiêu ấy bằng học hỏi về phép tu từ. Các công đồng của Hiệp Nhất thế kỷ XV và việc người Thổ chiếm Constantinople làm cho một số lớn các văn gia Hy Lạp kéo nhau về Ý; họ làm cho người Âu Châu bỡ ngỡ khám phá ra một chiều kích mới về trí tuệ là thế giới triết học Platon và các giáo phụ Hy Lạp. Người ta tưởng tìm thấy trong các sách vở ấy những câu trả lời về bản thể con người và những bổn phận của mình. Phái kinh viện đã bị sụp đổ bởi chủ nghĩa duy danh với việc triển khai những ý niệm và những phân biệt vô kể của nó, phái này không thể giữ vững tư tưởng của mình trước những hình thức tư tưởng mới đó. Từ nay người ta học cổ ngữ để điêu luyện lối viết riêng của mình theo trường phái cổ điển, nhưng cũng để có thể đọc Kinh Thánh và các giáo phụ trong nguyên bản và sát với tinh thần của họ hơn. Người ta khinh miệt phái kinh viện, người ta tấn công những kẻ đại diện cho phái ấy, nhất là các nhà thần học của các dòng tu, vì họ không đón nhận tinh thần mới này. Thế là người ta đi tới chủ nghĩa duy vật rất cá biệt, thoát ly khỏi siêu nhiên, dửng dưng với thần học và Giáo Hội, người ta nhận thấy Kitô giáo tan vỡ thành một triết học luân lý, còn hơn cả văn chương thi phú, nó sẽ mang đến hiệu quả về văn minh và giáo huấn. Nhận thấy mình đối nghịch với thái độ và truyền thống cho tới nay vẫn thành hành, các nhà nhân bản tự coi mình như những người được mời gọi soạn thảo các chương trình mới ngõ hầu canh tân Kitô giáo như ý hướng họ theo đuổi hoặc hăng say chống đối phe đối nghịch. Những nhà nhân bản quá khích đã trắng trợn tung ra những ”thư ngu dân” để gieo ngờ vực về những cách ăn ở của các tu sĩ và nhà thần học, họ cay độc châm chọc, bằng những lối chỉ trích thâm độc nhất để triệt hạ tinh thần đối phương. Ðặc biệt khi có cuộc tranh luận của Reuchlin về vấn đề phải làm thế nào để hủy diệt hết các sách vở Do Thái hoặc chỉ để hủy bỏ những bài châm biến chống lại Kitô giáo mà thôi.
Từ nguyên quán là nước Ý, những người theo chủ nghĩa nhân bản phê phán hết mọi đóng góp cố cựu của sinh hoạt tôn giáo, và cuối cùng đã đưa nhiều đệ tử đi tới thuyết hoài nghi và xa lạ với Ðức Tin. Người ta tìm giải đáp các vấn đề tôn giáo và đời sống nơi các tác gia cổ điển ngoại giáo, chứ không cần tìm đến các nguồn mặc khải; người ta đã thay thế một phần hay toàn phần, nhãn quan Kitô giáo về vũ trụ bằng nhãn quan ngoại giáo. Trong mọi trường hợp, người ta không sẵn sàng nhìn nhận để cho Giáo Hội lái con thuyền thế giới. Ðó là hàn viện lâm Roma, thành lập vào năm 1460 do nhà nhân bản Pomponius Laetus, viện này không những dùng các danh từ và các nhan đề ngoại giáo, mà tôn chỉ chính yếu lại rất gần ngoại giáo, đến nỗi đức giáo hoàng Paul II đã bãi bỏ hàn lâm viện ấy năm 1468. Các nhân viên khi đã thoát án ngục tù, lại báo thù bằng một bài viết cay độc đệ trình ”tên mọi rợ” đang ngồi tòa giáo hoàng. Một viện hàn lâm khác tương tự được mở tại Florence dưới sự bảo trợ của dòng họ nhà Medicis. Viện này chủ trương tách rời triết học khỏi thần học và xây dựng vũ trụ quan theo tư tưởng của những nhà triết học cổ thời. Platon và phái khắc kỷ được tôn thờ gần như tôn giáo. Trong những tranh chấp với Giáo Hội, người ta dựa vào lý thuyết về hai chân lý, theo đó thì sự bất tử của linh hồn, tự do của ý chí và lý trí phải phủ nhận mọi phép lạ, cho dù Ðức Tin đã khẳng ịnh như vậy. Ðó là lý thuyết mà công đồng Latran thứ V đã kết án công khai năm 1513.
Hình thái minh bạch ngoại giáo của thuyết nhân bản này không vượt khỏi núi Alpes, tuy có nhiều sinh viên Ðức theo học ở Ý đã nghiên cứu những lý thuyết hoài nghi đó. Nhà chính khách Ausgbourg là Konrad Peutinger và cố vấn tương lai ở Nuremberg là Willibald Pirckheimer, cả hai đã theo học trong các trường đại học Padoue và Bologne, những trường này chuyên giảng dạy thuyết nhân bản. Nhưng khi Peutinger được biết Pomponius Laetus, người hăng say tán thưởng cộng hòa Roma và giáo chủ tối cao của viện hàn lâm Roma, thì ông có thái độ ôn hòa. Do đó lúc về già, ông được nhiều hồng y quý mến. Ở hàn lâm viện, ảnh hưởng của ông còn được bổ túc bởi ảnh hưởng của các nhà nhân bản khác ôn hòa hơn. Nhưng các thanh niên khi đã học ở Ý rồi, thường có một tinh thần nhiễm màu nhân bản và rất hay phê phán Roma bằng một tâm tình ”cộng hòa”, và trong phạm vi thần học, họ muốn đặt quyền công đồng phổ quát lên trên quyền giáo hoàng. Họ coi đô thành của họ, chiếu theo khuôn mẫu thời cổ, như một cộng hòa hoàn hảo dẫn tới hòa bình. Họ không phải khó khăn để hoàn toàn sáp nhập Giáo Hội vào cấu trúc đô thị và coi Giáo Hội như một cơ quan giáo dục mà thôi. Ngoài ra những nhà nhân bản ở các đô thành đế quốc này còn có phong cách lạ kỳ khá phổ cập: Peutinger được nhóm thân cận của hoàng đế Maximilien tiếp đón, và ông để ý tới tinh thần ái quốc của hoàng đế; nhà nhân bản người Alsace là Wimpfeling cũng quan tâm tới chức vụ hoàng đế thời Trung Cổ; còn Pirckheimer thì mở rộng trí thức vào nhiều phạm vi và công việc học hỏi, từ thiên văn học cho tới phiên dịch văn chương cổ thời và các giáo phụ. Hệ thống học đường ở Nuremberg cũng được ông cộng tác vào lúc đầu, người ta hướng về nền học thức Kitô giáo, nhưng lại dựa vào khuôn mẫu thời xưa theo kiểu Plutarque. Vào buổi đầu, những người đó đã rất cởi mở để biết có những gì mới trong Cải cách. Do đó, ngay buổi đầu, Luther gặp được họ là những đồng chí hăng say. Nhưng khi họ xa rời trào lưu canh tân, vì tính cách đối lập tuyệt đối với thuyết nhân bản của trào lưu đó, thì họ cũng nhất quyết từ chối không dính dáng gì tới lý thuyết công giáo nữa. Ông già Peutinger dần dần rút lui khỏi đời sống công cộng, đối với lối tổ chức Giáo Hội nhất là đối với Tòa Thánh. Nhưng các sinh viên Ðức, từ Ý, còn đem về được nhiều điều khác, đó là việc nghiên cứu ngữ học và phê phán các bản văn, không những văn cổ điển mà cả các giáo phụ, kể cả Kinh Thánh. Thế là thuyết nhân bản gặp được nhiều người sau này trở thành đại diện thông thái nhất của mình. Chẳng hạn Didier Erasme, người Hòa Lan (1469-1536), người đồng thời với Peutinger và Pirckheimer. Là con của linh mục, ông say mê học Kinh Thánh, có thể là ví ngay vào buổi cắp sách đến trường ở Deventer, ông đã được chỉ dẫn chu đáo. Ðời ông thực ra đã trôi qua một cách độc đáo. Trước là kinh sĩ dòng thánh Augustin, rồi sau cởi áo dòng tu, nhưng chỉ xin phép chuẩn của giáo hoàng 24 năm sau mà thôi; là linh mục nhưng không thừa hành chức vụ; vào gần cuối đời, ông mới xin được hưởng bổng lộc (14); ông không có tài để trở thành người hướng dẫn nền đạo đức Kitô, cho dầu sau ông làm việc đó. Erasme không biết tới thuyết nhân bản ở Ý: ông học được lối phê phán nghiêm khắc đối với khoa kinh viện và đường lối tư tưởng của môn phái này tại đại học Paris, rồi được bổ túc thêm trong cuộc hành trình qua Anh hồi 30 tuổi. Trong những cuộc gặp gỡ ông kể lại thì có cuộc gặp John Colet, cùng trạc tuổi với ông, đã mang lại cho ông nhiều quyết định. Colet là người giảng dạy Tân Ước ở Oxford và trong khi đi nghiên cứu ở miền Nam, ông tiếp nhận thuyết nhân bản không những vì say mê Kinh Thánh mà còn vì muốn học hỏi lối phê phán bản văn. Trong số các đồ đệ của Colet, về mặt trí thức và tâm linh, còn có chàng thanh niên Thomas More, bạn rất thân của Erasme và tình bạn này kéo dài suốt đời hai người. Cạnh Colet là người cùng san sẻ những lời phê phán phái kinh viện và chỉ trích những cách thức biểu thị lòng đạo đức bình dân, Erasme ham học ngôn ngữ Kinh Thánh. Ông tìm được đúng sở trường và sự nghiệp cho đời ông, đó là khảo sát một cách khoa học và kính cẩn chính văn bản Tân Ước. Nhưng Erasme lại bị phân tán: một phần vì bản thân ông, có nhiều mặc cảm, ông chuyên chú vào việc phê phán, kể cả châm biếm và giễu cợt, đối với chế độ các dòng tu và nền thần học kinh viện, đối với lối tổ chức Giáo Hội, nhất là đối với giáo triều. Nhưng con người thần học Erasme lại không sẵn sàng tiếp tục cho tới những hậu quả cuối cùng hoặc từ bỏ những liên hệ bè bạn ông còn giữ được với chính giáo triều. Mối căng thẳng và mâu thuẫn đó, ông để lộ ra trong các lời tuyên bố và thư tín. Chúng cho biết ông do dự và thay đổi lạ lùng. Erasme không có tinh thần dứt khoát, đó là một người mang nhiều cá tính, ý thức mãnh liệt về mình, luôn luôn cảm nghĩ và hành động theo một hoàn cảnh hạn hẹp nào đó. Ông là một người vừa nhút nhát, vừa có tài giao tiếp tinh vi và lâu dài với bạn bè. Hơn nữa, ông là người có nền bác học uyên thâm, nhậy cảm về nhiều vấn đề, biết làm trọn sứ mệnh hướng dẫn viên cho một thời đại, trong đó Giáo Hội có hàng giáo phẩm nhưng thiếu các nhân vật lỗi lạc.
Lý tưởng của Erasme là người kitô hữu phải có văn hóa chứ không phải chỉ giữ đạo mụ. Ông phác họa hình ảnh đó trong cuốn ”Thủ bản người chiến sĩ Kitô giáo”, cuốn Enchiridion ấn hành năm 1503 ở Anvers, rồi in riêng năm 1504 ở Louvain, tái bản năm 1518 với lời dẫn nhập mới. Theo con mắt tác giả thì tác phẩm này là một thứ tham luận về đạo đức. Thực ra nên phân biệt những ý hướng của Erasme với những hậu quả thực tế cuốn sách này gây ra. Lòng đạo đức của Erasme thấm nhuần thuyết Platon, từ bản thể, con người và vũ trụ vươn tới khía cạnh vô hình của chính mình, cái hữu hình biểu hiện cái vô hình và đưa tới cái thiêng liêng. Có những ý kiến khác nhau khi muốn biết: Erasme có bị giam hãm trong lý thuyết Platon hay không? Ðức Kitô đối với ông có phải là một tôn sư và gương mẫu, hay chỉ có một liên hệ sinh động như thể lãnh tụ của mọi người được cứu rỗi?. Dẫu sao, người ta thấy trong Enchiridion một khía cạnh còn phải được kiểm tra và phê phán lại, một khía cạnh còn phải được đưa ra tranh luận. Không tự đặt cho mình những vấn đề về ý nghĩa các bí tích hay về hàng giáo phẩm trong Giáo Hội có do Thiên Chúa sáng lập hay không? Erasme tấn công cái sai lầm lan tràn rộng rãi, là giam hãm tôn giáo trong những nghi lễ. Sai lầm này còn tệ hại hơn khi người ta theo quan điểm Do Thái giáo, phải tuân thủ lề luật theo nghĩa đen, lúc đó người ta làm phương hại lòng đạo đức. Bí tích mất hết ý nghĩa nếu tự bản thân người ta không có cam kết xác tín. Ðối với con người là kẻ hành hương đi từ giới hữu hình tới giới vô hình thì sự cam kết này là luyện tập các nhân đức của Ðức Kitô.
Vũ khí chính yếu của chiến sĩ Kitô giáo không phải là các bí tích, cũng không phải là thực tại của Giáo Hội, mà là Kinh Thánh. Kẻ nào đọc hằng ngày, kẻ nào tìm thấy Ðức Kitô trong đó, nghĩa là điều Người dạy dỗ, kẻ nào nhờ vào chiếc áo sặc sỡ mầu sắc của các hình ảnh và truyện kể, mà đạt tới mầu nhiệm vô hình, thì người ấy được biến hóa trong nội tâm, nhất là nếu người ấy cố gắng luyện tập ý chí hằng ngày để thực hành nhân đức của Chúa Kitô; đối với người ấy, bí tích và việc tuân giữ nhiều huấn giới và cổ tục, không có cùng một vai trò như đối với người chuyên chú giữ lòng đạo đức bình dân. Linh mục cũng không thiết yếu, sự khác biệt các tình trạng trong đời sống Kitô giáo (giáo dân - linh mục - tu sĩ) không có giá trị như nhau; không phải là những cấp bậc của lòng đạo đức, nhưng là những hình thái sinh hoạt khác nhau, có ích nhưng không có giá trị (tuyệt đối), tùy theo phong cách thân xác và tâm linh của mỗi người (15). Do đó, bí tích linh mục và các chức vụ trong Giáo Hội đều không có giá trị tuyệt đối. Cuối cùng, theo Erasme, chỉ có một điều mà các giám mục và giáo hoàng phải làm trong Giáo Hội, là nên mẫu mực cho giáo dân trên đường trọn lành. Các giám mục chỉ được đặt cao hơn khi noi gương Ðức Kitô, không phải chỉ vì nhiệm vụ, nhưng còn vì đời sống và cách ăn nết ở của mình. Ðiều phải sống gương mẫu, không phải là cái ”đức” phổ quát nơi các nhà nhân bản Ý, nhưng là đức hạnh của Chúa Kitô. Ở đây người ta thấy ảnh hưởng của phái Deventer, phái này theo giáo thuyết của sách ”Gương phúc” (Noi theo Ðức Kitô). Erasme là người thuộc dòng quí tộc về tinh thần; ông biết rằng lý tưởng của ông, chỉ có thiểu số theo được, còn đa số quần chúng thì bị giam hãm trong cái đạo của Giáo Hội hữu hình. Những kẻ yếu ớt thì cần có huấn thị và lề thói, cần bí tích hữu hình và guồng máy bên ngoài của Giáo Hội, Erasme không hiểu chức năng phổ quát của phép Thánh Thể.
Thế rồi ông lên đường đi Ý. Ông lấy bằng tiên sĩ thần học tại Bologne và tại Padoue, ông gặp những nhà Hy Lạp học danh tiếng nhất thời này. Thuyết nhân bản Ý, đặc biệt dưới hình thức phê phán sử quan và triết học của Valla, đối với ông, là một thực tại sinh động. Ông bắt đầu thu tập tài liệu để cho ấn hành bản phê phán Tân Ước chiếu theo bản mẫu của Valla, Collatio Novi Testamenti. Nhưng ông cũng đi Roma, thăm viếng các nơi thánh và thấy mình rất mực được thoải mái trong triều đình giáo hoàng. Nhưng khi trở về Anh năm 1509, trong nhà Thomas More, ông viết cuốn ”Ca tụng Ðiên cuồng”, trong đó ông giãi bày kinh nghiệm sống ở Ý. Một đàng, ông thấy mình rất quí mến sự sung túc triền miền của đám bình dân, những Kitô hữu yếu đuối vì họ tọc mạch ngây thơ, chất phác được hưởng hạnh phúc trong đời sống và giữa thế trần, nhưng đàng khác, ông đay nghiến chế riễu và nghiêm khắc phê phán các hồng y và giáo hoàng. Thật mâu thuẫn biết bao giữa thái độ của những người trong giáo triều và gương mẫu các Tông Ðồ! đối lập nhau biết mấy giữa đời sống của đức giáo hoàng và sự noi gương Ðức Kitô! Những vụ gây chiến của Jules II làm cho thời gian cư ngụ của Erasme ở Ý thành vẫn đục, thật là một khủng khiếp, ”chúng không liên quan gì tới Ðức Kitô, nhưng vì chúng mà các giáo hoàng bỏ rơi hết các việc khác” (16).
Bầu khí căng thẳng hiện lên từ tác phẩm này tới tác phẩm khác, từ Enchiridion tới Encomium, hơn mấy lần cứ tiếp tục phát hiện trong các tác phẩm sau. Nhóm bạn hữu của Erasme lớn lên dần, ảnh hưởng của ông lan rộng, ông càng được quí trọng. Làm cố vấn cho các ông hoàng Hòa Lan, bạn các hồng y Roma, thân thiết với đức Leon X, là người thường ca tụng nền học vấn uyên thâm của ông tại giáo triều. Sau cùng ông cho xuất bản bộ Novum Testamentum (Tân Ước) ở Paris; Nơi đây, ông gặp được chủ thợ nhà xuất bản Froben, là người đồng tình đồng chí, có những ý tưởng như ông. Chính ông chủ lại tận tâm giúp ông về mặt kỹ thuật. Ông có cơ hội cho xuất bản bộ Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, với những chú thích và bản dịch ra thứ tiếng latinh của các nhà nhân bản vừa sáng sủa, vừa thích thú. Bản Hy ngữ của ông còn giá trị suốt ba thế kỷ, vượt hẳn bản Bezac; bản dịch la ngữ được tái bản hai trăm lần, tuy nhiên không thay thế nổi bản phổ thông. Erasme đề tặng tác phẩm của mình cho đức Leon X và cho giáo chủ Anh là Warham. Trong lời mở đầu, ông nói vắn tắt về những tư tưởng mà ông đã diễn giải trong Enchiridion về khoa thần học Kinh Thánh. Sau cùng ông bàn về nền ”triết học của Ðức Kitô”, triết học này không phải chỉ dành riêng cho các tiến sĩ mà thôi. ”Mỗi người đều được phép làm Kitô hữu, mỗi người có quyền ăn ở đạo hạnh, tôi còn dám nói, mỗi người đều có quyền làm nhà thần học” (17). Nếu các Kitô hữu muốn biết giáo huấn của Ðức Kitô, không những trong lý thuyết và lễ nghi mà cũng ở trong tâm hồn mình và trong suốt đời mình, thì đó là báo hiệu đã tới thời hoàng kim, canh tân đích thực, Cải cách Kitô giáo trong bản thể con người. Ðể chống lại những tấn công của nhà thần học ở Ingolstadt là Jean Eck, Erasme thỉnh cầu và nhận được sự phê chuẩn của đức giáo hoàng đối với tác phẩm năm 1518. Tiếp theo cuốn Instrumentum, ông cho ấn hành các tác phẩm của các giáo phủ, bắt đầu là thánh Jérôme mà ông ngưỡng mộ, coi như người thông thái vào bậc nhất. Bản dịch Kinh Thánh của ông, theo ông, không phải nhằm mục đích hoàn bị hóa thánh Jérôme, mà để sửa nhiều sai lỗi do những người sao chép sách của tu sĩ thành Bethlem.
Trong khi ở Ðức, những năm tiếp sau, Erasme bị Luther làm lu mờ và địa vị của ông xuống cấp vì ông còn do dự ở buổi đầu Cải cách, thì ở Tây Ban Nha ông còn là hướng dẫn viên bậc nhất cho tới 1525. Tư tưởng của ông được tiếp nhận, hầu như một cách cuồng nhiệt tại hầu hết các câu lạc bộ đang đi tìm một đường lối canh tân trí thức và tôn giáo. Sự thất bại trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha chống nhà vua và những dự định phổ quát của ông, cũng là sự thất bại của tinh thần bài ngoại và hẹp hòi theo óc quốc gia. Từ nay mọi phong trào Cải cách theo tinh thần Phúc Âm, trong toàn thể các tầng lớp dân chúng và cho tới các trường đại học, nhất thiết gắn liền với Erasme là ông hoàng của nhóm nhân bản. Sự căng thẳng và chinh chiến giữa Charles Quint và đức Clement VII đã trở nên địa trường thuận lợi làm cho Erasme càng nổi tiếng hơn. Người ta cho tái bản các tác phẩm của ông, cuốn Enchiridion được ấn hành bằng tiếng Tây Ban Nha. Những nhân vật có ảnh hưởng như bí thư của viện Ðại Thẩm Tra, cũng lên tiếng nhất quyết bênh vực ông trước những tấn công của các thần học gia Louvain. Các giám mục có tiếng nhất trong xứ, cũng theo phái Erasme, kể cả đại thủ tướng của hoàng đế và tổng bí thư Alonso Valdes. Em ông này về sau điều hành những hội đoàn theo thuyết duy Phúc Âm của Erasme, ở Naples và ở Valladolid.
Erasme hết sức cố gắng dàn xếp lâu dài để có thể dẫn tới một thỏa ước và duy trì hòa thuận giữa Roma và Wittenberg; Luther và ông cùng hiệp sức trông mong có một Cải cách và một canh tân theo chiều hướng Phúc Âm. Nhưng quá lâu Erasme hoàn toàn không có ý thức về mâu thuẫn giữa quan niệm lạc quan của ông về con người, vì theo thuyết nhân bản, ông tin vào chính ông và vào những lực lượng tư riêng của ông, với kinh nghiệm tâm linh của Luther. Nhưng khi ông nhận ra rằng tự do Phúc Âm suy đồi trở thành phóng túng thì ông bắt đầu chỉ trích Luther, mặc dầu ông vẫn phân biệt về căn bản, giữa tinh thần Phúc Âm và sự lên án Cải cách. Theo ông, củng cố duy nhất Giáo Hội không phải là chấm dứt canh tân tôn giáo đang thành hình khắp nơi, trong tinh thần của tự do và của Phúc Âm. Ông hoàn toàn dấn thân vào việc chú giải Kinh Thánh và ông càng thấy có những giải thích khác nhau. Ông nhận thấy có thể có tranh luận tự do mà không đụng tới những định tín. Do đó ông đặc biệt dặn dò phải hạn định tối thiểu các định tín. Ông nhấn mạnh tới quyền bính của Giáo Hội không phải vì quyền bính nhờ hòa hợp và bác ái mà phát huy thỏa thuận và hòa bình; còn về chân lý thì lại là một việc khác! Năm 1533 ông còn bào chữa cho khoan dung vì ông cho rằng không có lời giải đáp trong suốt cho những vấn đề chung tận. Và nếu năm 1529, năm Cải cách gia nhập thành phố Bâle, ông bỏ Bâle vì ở đó người ta không còn cử hành thánh lễ nữa, không phải vì ông coi Giáo Hội công giáo như Giáo Hội duy nhất đích thực, nhưng như Giáo Hội tương đối khá hơn các Giáo Hội khác mà thôi. Việc công nhận sự khai triển lịch sử các cấu trúc của Giáo Hội quan trọng hơn những hiệu quả của việc triển khai đó, hoặc hơn cả sự thành lập Giáo Hội do Thiên Chúa. Khi ông phân biệt Giáo Hội công giáo với Giáo Hội Roma hay Giáo Hội của giáo hoàng, người ta thấy còn nhiều mập mờ và do dự trong thuyết ”nửa công giáo” của vị lãnh tụ các nhà nhân bản. Ông viết :”Tôi chỉ công nhận Ðức Kitô, tôi không biết Luther, tôi biết Giáo Hội Roma mà tôi coi như đồng nhất với Giáo Hội công giáo; ngay cả đến cái chết cũng không thể làm cho tôi xa lìa nó, trừ khi chính nó roõ rệt tách rời Ðức Kitô” (18).Nhưng trong một lời tuyên bố khác, lại thấy ông hết sức lẫn lộn và mập mờ về thần học :”Tôi không bao giờ bỏ Giáo Hội công giáo... Tôi biết rằng trong Giáo Hội mà các anh (phái Luther) gọi là Giáo Hội của giáo hoàng, có nhiều điều làm tôi phật ý. Nhưng tôi cũng thấy như vậy trong Giáo Hội của các anh. Người ta dễ dàng chịu đựng những điều giở đã quen. Vì thế tôi chịu đựng cái Giáo Hội này cho tới khi tôi tìm được một Giáo Hội khác khá hơn; chính Giáo Hội này cũng phải chịu đựng tôi cho tới khi tôi trởnên khá hơn. Người nào theo con đường giữa hai cái giở khác nhau thì không nguy hiểm” (19).
Vì thế năm 1535 ông trở lại Bâle để có thể ở gần người xuất bản sách của ông và không cho mình là mâu thuẫn. Ông đã tắt thở ở đây một năm sau mà không chịu các bí tích của Giáo Hội (20).
Với những lãnh tụ tâm linh như thế, Giáo Hội không có sức tự bảo vệ chống lại những cơn cuồng phong bão táp do việc canh tân Ðức Tin gây nên. Phải gần một thế hệ, người ta mới đạt được ưu tiên luân lý trên tín lý và trên lập luận mập mờ và tai hại về thần học; người ta mới đặt một thế đứng cho những yếu tố quí báu thuộc di sản của Erasme, đó là: lòng yêu chuộng sự trong suốt của Giáo Hội nguyên thủy và ý thức trách nhiệm mục vụ của các giám mục. Nhưng khát vọng của ông về lối phụng thờ Thiên Chúa trong suốt hơn, không bị vùi lấp dưới những nghi lễ và việc đạo đức kỳ dị, khát vọng về một phong cách tôn giáo quay về với sự sống, xa rời lối tu thân tích đức của các dòng tu, nhưng là một cam kết nội tâm và thuộc bản thân con người đối với Thiên Chúa Cứu Tinh, khát vọng đó chỉ được thực hiện bằng cuộc Canh Tân thật ”cách mạng”.
Thực ra Ignace de Loyola đã vay mượn những yếu tố thuộc qui chế của học đường Montaigu ở Paris, nhưng việc tái lập tòa Thẩm Tra mà ông cổ võ năm 1542 có nghĩa là có cuộc đắc thắng của những tu sĩ và các nhà thần học mà Erasme vốn e ngại. Những định nghĩa tín điều của công đồng Trente và quan niệm của công đồng về lý tưởng chức giám mục, ý thức về hiện tượng Calvin với nguyên tắc bầu cử có nghĩa là thuyết nhân bản đã hết thời. Một trong những người cuối cùng theo Erasme là bá tước Guillaume V thành Clèves (1539-1592): phải công nhận, kể từ 1568, trong lãnh thổ của ông có nhiều khuynh hướng tôn giáo được bành trướng hết sức tự do, có những cộng đồng thuộc phái Luther và Calvin rất ý thức về đặc thù của họ.